Mỗi một quốc gia đều có một nền văn hóa đặc trưng. Đi theo đó là những biểu tượng mang theo ý nghĩa tinh thần đại diện cho cả quốc gia, cả dân tộc. Và tất nhiên, với một quốc gia đa dạng màu sắc văn hóa và chủng tộc như Hoa Kỳ (Mỹ) thì cũng không ngoại lệ. Trong thực tế, có không ít hình ảnh được xem là biểu tượng nước Mỹ. Và đằng sau mỗi biểu tượng đều có những ý nghĩa hàm xúc riêng.
Nước Mỹ hay hợp chủng quốc Hoa Kỳ là một quốc gia đa dạng về văn hóa và sắc tộc. Có lẽ bởi vậy nên biểu tượng của quốc gia này cũng khá phong phú. Trong đó, có một số đã được công nhận rộng rãi và được xem như hình ảnh đại diện cho nước Mỹ.
1. Tượng Nữ Thần Tự Do
Từ năm 1886, Tượng Nữ Thần Tự Do (tên đầy đủ: Nữ thần Tự do soi sáng thế giới – Liberty Enlightening the World) đã được xem là biểu tượng của đất nước Hoa Kỳ. Nhiều người khi di cư đến Mỹ đều xem đây là biểu tượng của lý tưởng tự do và sự giàu có.
Tượng Nữ Thần Tự Do là một tác phẩm điêu khắc theo phong cách tân cổ điển với kích thước cực lớn, đặt trên Đảo Liberty tại cảng New York. Tác phẩm điêu khắc này do kiến trúc sư Frédéric Bartholdi thiết kế và được khánh thành vào 28/10/1886. Đây là tặng vật của nhân dân Pháp gửi nước Mỹ.
Tượng Nữ Thần Tự Do lớp bên ngoài làm bằng đồng nguyên chất khi mới có màu đỏ nhưng nay màu xanh xám là vì phản ứng hóa học giống như rỉ sét do tiếp xúc với muối biển và những chất khác trong không khí. Tượng Nữ Thần Tự Do có hình dáng một người phụ nữ mặc áo choàng (thời La Mã gọi là “Stola”) tiêu biểu cho Libertas – Nữ Thần Tự D của La Mã, tay phải cầm ngọn đuốc còn tay kia một tấm đá phiến có khắc ngày tháng độc lập của Hoa Kỳ. Tượng cao 46m được đặt trên một bệ bằng đá hình chữ nhật phía dưới là phần nền móng hình ngôi sao 11 góc khiến tượng có tổng chiều cao là 93m.
Ngọn đuốc trên tay phải của nữ thần là tượng trưng cho ánh sáng dẫn đường tới sự tự do, bình đẳng, bác ái. Đây chính là ngọn lửa mà Promete đã mang đến cho con người. Đây cũng là biểu tượng cho nền độc lập Hoa Kỳ.
Tay trái của tượng giữ tấm đá phiến có khắc dòng “ngày 4 tháng 7 năm 1776” bằng số La Mã (VII IV MDCCLXXVI). Đây chính là ngày mà nước Mỹ tuyên bố độc lập.
Vương miện của Tượng Nữ Thần Tự Do có 7 mũi nhọn tượng trưng cho tia nắng mặt trời và 25 cửa sổ trên vương miện nữ thần mang ý nghĩa châu báu tìm thấy trên hành tinh – biểu tượng cho sự phồn vinh giàu có.
Dưới chân bức tượng có một đoạn xiềng xích bị phá vỡ, tượng trưng cho việc xoá bỏ chế độ nô lệ và nạn độc tài trên toàn thế giới.
Cầu thang trong Tượng Nữ Thần có 192 bậc, còn muốn từ bậc cầu thang cao nhất lên tới vương miện của Nữ Thần thì cần đi tiếp 354 bậc thang xoáy trôn ốc.
Với những ý nghĩa biểu tượng sâu xa và tầm vóc đồ sộ to lớn Tượng Nữ Thần Tự Do đã được Unesco chứng nhận là “Di sản của thế giới” năm 1984.
Ngày nay, hình ảnh Tượng Nữ Thần Tự Do được in trên tiền kim loại, những con tem tại Hoa Kỳ. Lần đầu xuất hiện trên những đồng tiền kim loại. Đó là sự xuất hiện đánh dấu sinh nhật 100 năm của bức tượng. Vào năm 2011, tượng được in trên phiên bản đồng 25 xu của New York.
2. Quốc Điểu: Đại bàng đầu trắng
Đại bàng đầu trắng (còn gọi là đại bàng hói – mặc dù lông trắng phủ đầy đầu) có tên khoa học Haliaeetus leucocephalus. Chúng được tìm thấy phần lớn ở Bắc Mỹ bao gồm: Canada, miền bắc Mexico, Alaska và Hoa Kỳ.
Đại bàng hói có lông màu nâu với đầu trắng, đuôi trắng và mỏ vàng. Đặc biệt đại bàng đầu trắng có cặp măt tinh nhanh và bộ vuốt đầy sức mạnh, uy lực. Chúng sử dụng móng vuốt để bắt và mang theo con mồi.
Đại bàng đầu trắng là loài chim lớn với sải cánh dài từ 1,5 – 2,4m và cơ thể dài từ 0,6m đến hơn 0,9m. Trọng lượng cơ thể của con cái lớn hơn con đực. Đại bàng đầu trắng cái nặng khoảng 6kg, trong khi con đực nặng khoảng 4kg.
Đất nước Hoa Kỳ đã lấy hình ảnh của loài chim này để làm biểu tượng cho quốc gia. Có khá nhiều lý do được đưa ra giải thích về việc tại sao người Mỹ lại chọn đại bàng đầu trắng là biểu tượng của đất nước mình. Đó là bởi hình tượng con đại bàng biểu trưng cho rất nhiều ý nghĩa.
Hình tượng đại bàng từ thời xa xưa đã mang ý nghĩa biểu trưng cho sự uy nghi, quyền lực, lòng can đảm, đặc biệt là ý chí tự do. Sống trên núi cao, bay lượn giữa ngút ngàn thiên nhiên, dùng đôi mắt tinh anh sắc bén và sự kiên quyết để thu phục con mồi. Đó cũng chính là những gì người Mỹ, nước Mỹ mong muốn trở thành.
Hình tượng đại bàng còn hiện diện trên tấm khiên của các vị Hoàng đế với ham muốn chinh phục cả thế giới như Napoleon hay Charlemagne ngay từ thời trung cổ.
Với những quan niệm từ xa xưa, cùng với bản năng vốn có của đại bàng đầu trắng, nó hoàn toàn phù hợp với bảng khẩu hiệu viết bằng chữ Latinh in trên quốc huy của nước Mỹ: “E Pluribus Unum”, tiếng Anh là: “Out of many, One”.
3. Quốc Kỳ Hoa Kỳ
Quốc kỳ Hoa Kỳ chính thức ra đời vào ngày 14/6/1777, cũng trong năm này nó trở thành lá cờ đại diện quốc gia biểu trưng cho sự độc lập, chủ quyền của đất nước Hoa Kỳ.
Trên Quốc kỳ Hoa Kỳ có 3 màu: xanh, trắng và đỏ. Mỗi màu sắc mang một ý nghĩa riêng biệt, cụ thể: Màu đỏ tượng trưng cho lòng dũng cảm và nhiệt huyết; màu trắng nói lên niềm hi vọng trong sáng, nét tinh khiết của cuộc sống và tinh thần kỷ luật, trong khi màu xanh là hiện thân của màu sắc thiên đàng, biểu tượng của Thượng đế, lòng trung thành, niềm chân thành, công lý và chân lý. Sự kết hợp của ba màu sắc nêu bật được lòng yêu nước, sự độc lập tự do của dân tộc cũng như nhắc nhở tất cả mọi người dân Hoa Kỳ phải luôn sống có lý tưởng, sống với trách nhiệm và danh dự của chính mình.
Nguyên gốc Quốc kỳ Mỹ có 13 sọc, cụ thể gồm: 7 vạch đỏ và 6 vạch trắng. Tổng thống đời đầu tiên của Hoa Kỳ đã từng phát biểu trong buổi diễn thuyết với nguyên văn như sau: “Chúng ta lấy các tinh tú từ Thiên đàng, và màu đỏ từ mẫu quốc (Anh quốc), được phân chia bằng các sọc trắng, để chứng tỏ rằng chúng ta đã tách rời khỏi mẫu quốc, và những sọc trắng sẽ được truyền lại cho thế hệ mai sau như là biểu tượng của Tự do”.
Bên góc trái Quốc kỳ có tổng cộng 13 ngôi sao màu trắng in nổi bật trên nền xanh. Ngôi sao, theo như biểu tượng xa xưa trong văn hóa Ấn Ðộ, Ba Tư, và Ai Cập, tượng trưng cho chủ quyền. Trên lá cờ Hoa Kỳ, mỗi một ngôi sao ấy tượng trưng cho chủ quyền của một tiểu bang. Ban đầu nước Mỹ chỉ mới thành lập 13 tiểu bang nên Quốc kỳ của siêu cường quốc này có 13 ngôi sao tượng trưng cho các bang này. Về sau, lá cờ Hoa Kỳ gồm có 50 ngôi sao cũng là tượng trưng cho 50 tiểu bang (cứ mỗi bang nhập vào Hoa Kỳ thì Quốc kỳ lại gắn thêm một ngôi sao mới), và đặc biệt để người dân không bị lãng quên 13 tiểu bang đầu tiên của ngày lập quốc thì số sọc trên lá cờ vẫn được giữ ở con số 13.
4. Quốc huy Hoa Kỳ
Quốc huy Hoa Kỳ được thiết kế chi tiết, tinh xảo và tỉ mỉ, mỗi chi tiết đều chứa đựng một ý nghĩa nhất định gắn bó mật thiết với Hoa Kỳ từ trong lịch sử tới hiện tại. Quốc huy của nước Mỹ chính thức được phê duyệt vào năm 1972.
Trên Quốc huy có hình một con đại bàng đầu trắng quắp chặt một cành ô liu bằng móng vuốt bên phải và các mũi tên bằng móng vuốt bên trái. Trên ngực của nó xuất hiện một lá chắn có hình 13 sọc dọc màu đỏ và trắng được chắn trên đầu bởi một dải màu xanh dương. Mỏ của đại bàng ngậm một biểu ngữ ghi “E pluribus unum”, một cụm từ tiếng Latinh có nghĩa là “Một quốc gia quy tụ nhiều chủng tộc” (“Out of Many One”). Phía trên đầu đại bàng, các tia màu vàng tỏa ra xung quanh, bao quanh 13 ngôi sao.
Phần dưới của lá chắn (hoặc phần chạy dọc của huy hiệu) đại diện cho 13 tiểu bang thống nhất nâng đỡ dải màu xanh dương ở trên cùng của lá chắn (hoặc phần chạy ngang của huy hiệu) vốn giúp “thống nhất tất cả và đại diện cho Quốc hội”. Câu khẩu hiệu “E Pluribus Unum” thể hiện bằng văn tự cùng một mối quan hệ đó. Các màu được sử dụng trong lá chắn tương tự như màu của quốc kỳ Mỹ: màu đỏ và trắng xen kẽ tượng trưng cho sự cân bằng quan trọng giữa sự trong sáng và lòng dũng cảm, được chắn trên đầu bởi màu xanh dương của “sự thận trọng, kiên trì và công lý. Các móng vuốt của đại bàng nắm chặt các biểu tượng về quyền lực của Quốc hội để tạo ra hòa bình (cành ô liu) và chiến tranh (mũi tên). Chòm sao trên đầu đại bàng chỉ ra rằng “một quốc gia mới đang giành lấy vị trí của nó và xếp vào hàng ngũ các cường quốc có chủ quyền khác”.
5. Quốc ấn
Quốc ấn của Hoa Kỳ được sử dụng để xác thực một số tài liệu do Chính phủ liên bang Hoa Kỳ cấp. Cụm từ này được sử dụng cho cả con dấu vật lý (được giữ bởi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ), và nói chung là cho thiết kế ấn tượng về nó. Vào năm 1782, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Quốc ấn sau 6 năm thảo luận.
Mặt trước của con dấu là hình Quốc huy. Mặt sau của con dấu mang chủ đề Tam Điểm quen thuộc với một kim tự tháp như một biểu tượng của “Sức mạnh và Trường tồn”. Chiếc kim tự tháp, giống như quốc gia mới này, chưa hoàn thành và thường được mô tả là có 13 bậc biểu tượng cho các tiểu bang sáng lập ban đầu. Con mắt lơ lửng nổi trên cấu trúc chính là con mắt của Thượng đế, mà Thomas tin rằng đã “phù trợ cho nước Mỹ”. Bên dưới kim tự tháp, con số 1776 xuất hiện bằng chữ số La Mã như một lời nhắc nhở về năm độc lập. Cụm từ “Annuit Coeptis” hay “Thượng đế chúc phúc cho công việc của chúng ta” xuất hiện phía trên con mắt của thượng đế; “Novus Ordo Seclorum” hay “Một trật tự mới của Thời đại” xuất hiện bên dưới kim tự tháp.
6. Quốc hoa: Hoa hồng
Quốc hoa của một quốc gia không chỉ là loài hoa có mặt ở đất nước đó mà còn mang những đặc trưng cho dân tộc, cho quốc gia và tính cách con người nơi đó. Bởi vậy, việc chọn lựa quốc hoa không hề đơn giản. Chúng ta đã thấy trên thế giới có rất nhiều Quốc hoa khác nhau như: Mexico có là loài hoa xương rồng kiên cường bám trụ mảnh đất cằn cỗi để vươn lên tìm sự sống, khẳng định sự mãnh liệt của mình vượt qua thiên tai, thử thách; Pháp là Iris – loài hoa biểu tượng của Hoàng gia Pháp; Hà Lan là hoa Tulip với màu sắc dịu dàng; còn Việt Nam chúng ta là hoa Sen mang niềm tự hào dân tộc,…
Với Hoa Kỳ, Quốc hoa của nước này được đánh giá là “bà chúa của các loài hoa”, đó là loài hoa có sức lay động lòng người, làm con người ta mê đắm bởi vẻ đẹp và sắc hương của chúng. Đó còn là loài hoa tượng trưng cho tình
yêu bất diệt, cho sự tồn tại vĩnh hằng của tình yêu. Loài hoa ấy chính là hoa hồng.
Hoa hồng đã chính thức được công nhận là Quốc hoa của Hoa Kỳ vào ngày 20/11/1986. Quốc hoa của Hoa Kỳ với ý nghĩa là biểu tượng của cuộc sống, tình yêu, sự tận tụy cũng như sắc đẹp và sự vĩnh hằng.
Giống hồng được lựa chọn để trở thành Quốc hoa Hoa Kỳ là loại hồng đỏ phổ biến nhất hiện nay. Bản thân loài hoa màu đỏ này vốn nguyên thuỷ theo truyền thuyết là được ra đời từ cảm xúc sâu sắc. Trong thần thoại Hy Lạp và La Mã, hoa hồng đỏ được gắn chặt với nữ thần tình yêu. Nhiều nền văn hóa cổ đại sử dụng hoa hồng đỏ để trang trí lễ kết hôn và chúng thường là một phần của trang phục cưới truyền thống. Thông qua tập tục này, bông hồng đỏ dần trở nên được biết đến như một biểu tượng cho tình yêu và lòng trung thành. Khi truyền thống trao đổi hoa hồng và các loại hoa khác làm quà tặng tình cảm trở nên phổ biến, một bông hồng đỏ tự nhiên đã trở thành bông hoa được lựa chọn để gửi thông điệp mạnh mẽ nhất của tình yêu. Đây là một truyền thống đã được gìn giữ cho đến ngày nay.
7. Quốc thụ: Cây sồi
Cây sồi được chọn làm biểu tượng của Hoa Kỳ vào năm 2004. Quyết định này được Quốc hội và Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ ký quyết định thông qua.
Loài cây này được vinh dự lựa chọn làm Quốc thụ của Hoa Kỳ bởi nó biểu tượng cho sự cường thịnh, lâu dài và bền chặt của nước Mỹ. Trung bình một cây sồi có thể sống trường tồn khỏe mạnh qua mấy ngàn năm tuổi.
8. Quốc ca: “Star-Spangled Banner”
“The Star-Spangled Banner”, tạm dịch là “Lá cờ lấp lánh ánh sao”, là quốc ca chính thức của Hoa Kỳ. Lời được viết vào năm 1814 bởi Francis Scott Key, một luật sư và nhà thơ nghiệp dư, sau khi ông chứng kiến cảnh pháo đài McHenry bị quân Anh oanh tạc trong Chiến tranh năm 1812. Bài này được phổ biến là một bài hát yêu nước sau khi được phổ nhạc theo bài tửu ca To Anacreon in Heaven của Anh, nhưng chỉ được trở thành Quốc ca khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua một Nghị quyết vào ngày 31/3/1931.
Phần nhạc trong Quốc ca Hoa Kỳ do John Stafford Smith (30/3/1750 – 21/9/1836), một nhà soạn nhạc người Anh, sáng tác. Ông là người đàn phong cầm cho nhà thờ và cũng là một nhà nghiên cứu âm nhạc. John Stafford Smith là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên đã cẩn thận sưu tầm các tác phẩm của Johann Sebastian Bach. Tuy nhiên, John Stafford Smith được nổi tiếng chỉ vì ông viết nhạc cho bài “To Anacreon in Heaven”. Bài hát này được viết vào khoảng giữa thập niên 1760, lúc Smith vẫn còn là một thiếu niên. Lời bài hát do Ralph Tomlinson đặt và nó trở thành bài hát chính thức của Anacreontic Society, hiệp hội nhạc sĩ tài tử viết nhạc trữ tình tại Luân Đôn. Bài hát nhanh chóng được phổ biến tại Anh Quốc và Hoa Kỳ.
Khoảng 50 năm sau, vào năm 1814, Francis Scott Key viết bài thơ “Defence of Fort McHenry” để hát với giai điệu của bài “To Anacreon in Heaven”. Bài hát được nhiều người tại Hoa Kỳ yêu mến. Năm 1931, Quốc hội Hoa Kỳ đề nghị Tổng thống Herbert Hoover thông qua dự luật công nhận bài hát trên là Quốc ca Hoa Kỳ. Bài hát với lời thơ của Francis Scott Key và phần nhạc do John Stafford Smith viết. Hai tác giả đã qua đời mà không biết mình nhận được vinh dự cao quý đó.
8 biểu tượng trên đây của đất nước Hoa Kỳ đều mang một ý nghĩa “đặc biệt” của nó. Hãy thực hiện một chuyến du lịch Mỹ để có cơ hội khám phá nhiều điều thú vị hơn nhé!