Khám phá về 5 chiếc chuông nổi tiếng của “xứ cờ hoa”

Mỹ là một quốc gia rộng lớn, giàu có với nhiều phong cảnh đẹp nên thơ và nhiều điều bí ẩn đang chờ đợi được khám phá. Đặc biệt, nơi đây còn thu hút sự chú ý của khách du lịch bởi nhiều chiếc Chuông đã gắn với một thời kỳ lịch sử quan trọng của đất nước này.

1. Chuông Tự do (Philadelphia, Pennsylvania)

Chuông Tự do (Liberty Bell) là một trong những biểu tượng của nền độc lập Hoa Kỳ, đã được rung lên để đánh dấu sự ra đời bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ vào ngày 8/7/1776.

Quả chuông này được đặt mua từ Công ty Lester và Pack tại London (Anh) vào năm 1752. Vào những năm 1830, chiếc chuông là biểu tượng của phong trào chống chế độ nô lệ ngược đãi người Mỹ da đen gốc Châu Phi. Mặc dù rất nặng hơn 900kg nhưng nó được người dân khiêng đi khắp nơi trên đất Mỹ, đến ngày mừng sinh nhật thứ 114 của Tổng thống George Washington vào năm 1846 thì chiếc chuông già cỗi này đã bị nứt.

17 dia diem tham quan o Philadelphia 3

Từ năm 1885, chính quyền thành phố Philadelphia đã bằng lòng cho nhiều tổ chức yêu nước mượn chiếc chuông này để trưng bày khắp nước Mỹ. Nơi nào có Chuông Tự Do, nơi đó quần chúng đến xem rất đông. Vết nứt của chuông càng ngày càng trầm trọng, cho nên từ năm 1915 trở đi chuông không còn được cho ai mượn nữa.

Trong suốt thời chiến tranh lạnh, Chuông Tự Do được dùng làm biểu tượng của Tự Do. Những năm 1960 nhiều cuộc biểu tình lớn được tổ chức ở công viên nơi đặt chiếc chuông, năm 1973 Chuông Tự Do được di chuyển về một gian nhà bằng kiếng nhỏ trong Quảng trường Độc lập (Independence Mall), đến năm 2003 chuông này được di chuyển về một gian nhà rộng lớn hơn tên “Trung Tâm Chuông Tự Do” (Liberty Bell Center) ở gần đó, cho đến ngày nay.

2. Chuông Tự do của Liên đoàn Dân sự quốc gia Hoa Kỳ (Washington D.C)

Chiếc Chuông Tự do này là một món quà do tổ chức Liên đoàn Dân sự quốc gia Hoa Kỳ trao tặng cho Washington D.C. Chiếc chuông được làm ra phục vụ cho chuyến tàu hỏa mang tên “Sự tự do của nước Mỹ” vào năm 1976 đi dọc đất nước từ ngày 1/4/1975 đến ngày 31/12/1976. Chuyến tàu hỏa đã mang theo nhiều “di vật” đại diện cho lịch sử nước Mỹ từ NASA đến những kỷ vật trong ngành điện ảnh.

nhung chiec chuong noi tieng 1

Chiếc chuông này được thực hiện bởi Fred S. Gichner Iron Works mà sau khi hoàn thành đã có nhiều nỗ lực lớn để tìm một nơi trưng bày nhưng mọi nỗ lực đều thất bại.

Sau chuyến “lưu diễn” của mình trên chuyến tàu đó, chiếc chuông được cất giữ trong kho trước khi có được thỏa thuận của Liên đoàn cho việc đặt chuông tại Union Station tại Washington D.C. Thỏa thuận để đặt chuông tại Union Station cũng không phải dễ dàng đạt được bởi ban đầu Liên đoàn muốn chiếc chuông được đặt gần National Mall. Hiện nay, một bản sao của quả chuông cũng được đặt tại tòa nhà trụ sở của Liên đoàn Dân sự quốc gia Hoa Kỳ.

3. Chuông Tự do của bang Hawaii (Honolulu, Hawaii)

Nằm trên bãi cỏ của lối vào đường Beretania phía trước của tòa nhà Quốc hội ở quần đảo thủ đô tiểu bang Hawaii có một địa điểm ưa thích mà khách tham quan chụp ảnh đó là chiếc chuông “bản sao” của Liberty Bell (ở Philadelphia) được trưng bày từ ngày 4/7/1950 như một sự khẳng định về lý tưởng Tự do của đất nước. Chiếc chuông này là một món quà của Tổng thống và Quốc hội Hoa Kỳ tặng cho Hawaii như một biểu tượng của tự do và dân chủ.

nhung chiec chuong noi tieng 2

Tìm về lịch sử, vào năm 1950, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã chọn Công ty Paccard Foundry ở Annecy-le-Vieux (Pháp) để đúc 55 bản sao cỡ lớn của Chuông Tự do. Đây cũng là hoạt động ủng hộ đợt huy động trái phiếu tiết kiệm của quốc gia được tổ chức từ ngày 15/5 đến ngày 4/7/1950 với khẩu hiệu “Tiết kiệm cho sự độc lập của mỗi công dân”. Các quả chuông được vận chuyển đến cho các tiểu bang và vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ để trưng bày chào mừng ngày Quốc khánh.

4. Chuông nguyện hòa bình thế giới (Newport, Kentucky)

Chuông nguyện hòa bình thế giới nằm trong Công viên Thiên Niên Kỷ và là một trong 20 chuông Hòa Bình rải khắp trên toàn thế giới. Đây là chiếc chuông lắc lớn nhất thế giới từ giai đoạn năm 2000 đến 2006, với cân nặng khoảng 33 tấn, cao 3,7m. Để phù hợp với chủ đề hòa bình thế giới, chiếc chuông này còn có một dòng chữ kỷ niệm của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và khắc dấu những sự kiện quan trọng trong 1.000 năm qua.

nhung chiec chuong noi tieng 3

Chiếc chuông sản xuất vào năm 1998 tại Pháp và vận chuyển đến Mỹ bằng thuyền, sau đó tiếp tục vận chuyển tới Kentucky bằng đường sông. Chuông được làm “của để dành” cho đến tận đêm 31/12/1999 khi lần đầu tiên được rung lên đón chào năm 2000 được mở ra.

5. Chuông “El Camino Real” (California)

Chạy dọc đường cao tốc 101 liên bang California, du khách sẽ thấy có khá nhiều chiếc “cột treo chuông”. Những chiếc chuông đã được treo từ những năm 1906 để đánh dấu đường đi ban đầu của “El Camino Real” (tiếng Tây Ban Nha nghĩa là “Con đường Hoàng gia” hay “Xa lộ Thiên tử”) nối dài từ San Diego đến Sonoma (California). Quãng đường dài gần 700 dặm kết nối 21 nhà nguyện của California được lập cách nhau một đoạn đường chạy bằng xe ngựa do Cha đạo Junipero Serra tổ chức thực hiện.

nhung chiec chuong noi tieng 4

Qua nhiều năm, con đường El Camino Real đã nhường đường cho các tuyến đường cao tốc hiện đại, chủ yếu là các tuyến 101 và 82. Đồng thời, những chiếc chuông này được Hiệp hội quản lý El Camino Real thu hồi dần. Ban đầu, có khoảng 450 chuông dọc theo El Camino Real nhưng do trộm cắp và phá hoại nên số chuông bị giảm xuống còn khoảng 75. Sau đó, vào năm 1974, tiểu bang đã thành lập ban quản lý giám hộ chuông chịu trách nhiệm sửa chữa hoặc thay thế chúng. Họ đã xây các cột chuông làm bằng bê tông chứ không phải là gang như trước đây để ngăn cản hành vi trộm cắp, nằm rải rác ở các thành phố Los Angeles, Ventura, San Benito, Monterey, San Luis Obispo, Santa Barbara, San Mateo và Santa Clara.

Trong chuyến du lịch Mỹ, du khách đừng quên dành thời gian khám phá về những chiếc chuông nổi tiếng mà chúng tôi đã vừa giới thiệu trên đây nhé! Chúc du khách có một hành trình vi vu “xứ cờ hoa” thật thú vị và ý nghĩa!