Nói về sự đa dạng trong văn hóa, thì không thể không nhắc đến Mỹ là một quốc gia đa sắc tộc. Hằng năm, đất nước này đón hàng triệu người nhập cư từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, không vì vậy mà văn hóa Mỹ bị pha trộn với những văn hóa đến từ nơi khác. Và đặc biệt là văn hóa gia đình của người dân “xứ sở cờ hoa” vẫn luôn giữ những nét đăc trưng rất thú vị.
Gia đình là yếu tố quan trọng, là nền tảng của xã hội, là nơi mỗi người có thể tìm về khi khó khăn, buồn đau,… Tuy nhiên, khi tìm hiểu văn hoá gia đình ở Mỹ, du khách sẽ thấy, người dân nơi đây có những quan niệm, cách nghĩ và truyền thống khác hẳn với chúng ta. Từ mối quan hệ giữa các cá nhân trong gia đình cho đến cách sống, vai trò và vị trí của mỗi người,…
Sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giữa bố mẹ và con cái
Giữa con cái và bố mẹ trong các gia đình kiểu Mỹ luôn có sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Điều này cũng được đánh giá là một trong những khía cạnh rất tốt trong văn hoá gia đình Mỹ, giúp xây dựng tính cách cho trẻ từ khi còn nhỏ và giúp các gia đình có thể gìn giữ được tổ ấm của mình.
Trong các gia đình Mỹ, trẻ con thường khá ngoan và biết cái gì được phép và cái gì không được phép. Bởi ngay từ đầu, các bậc phụ huynh thường có những quy định khá rõ ràng và từ rất sớm về những gì được làm và những gì không được làm. Do đó, khi nhận thức được, trẻ con luôn tuân thủ khá tốt những quy định này. Nếu có mong muốn nào đó, chúng thường hỏi cha mẹ trước có được phép không.
Tuy nhiên, trẻ con ở Mỹ cũng thường rất hay đặt lại câu hỏi cho bố mẹ là tại sao chúng không được phép làm điều đó và tất nhiên chúng cần những lời giải thích hợp lý từ phía người lớn. Điều này rất tốt cho suy nghĩ của trẻ sau này. Trong trường hợp này, các bậc phụ huynh thường tôn trọng và lắng nghe ý kiến của con cái. Họ không ngại mất thời gian để trả lời hay giải thích và hướng dẫn con cái. Phụ huynh ở Mỹ không có tư tưởng áp đặt quan điểm và thậm chí áp đặt sở thích của mình cho con cái một cách phi lý và không giải thích.
Xây dựng và chăm lo gia đình là trách nhiệm của cả vợ và chồng
Tại Mỹ, sự bình đẳng thể hiện khá rõ nét trong quan hệ giữa vợ và chồng. Người chồng và người vợ đều có trách nhiệm đối với gia đình như nhau. Vì thế, người đàn ông có thể làm các công việc gia đình, thậm chí nhiều hơn cả phụ nữ, kể cả việc chăm sóc con cái.
Quan niệm về cuộc sống gia đình ở Mỹ là cả hai vợ chồng đều phải chia sẻ, gánh vác và cùng nhau làm các công việc và điều này sẽ giúp cho vợ chồng gắn bó với nhau hơn. Theo đó, người đàn ông được xem là trụ cột gia đình, là lao động chính gánh vác phần kinh tế. Còn người vợ dù làm lương cao hay ít, công việc xã hội hay không đều có trách nhiệm lo lắng các công việc gia đình như nấu ăn, chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa… Tất cả mọi thứ họ đều chia sẻ với nhau.
Người chồng thường chia sẻ công việc nhà
Đàn ông ở Mỹ dù kiếm được nhiều hay ít tiền đều phải có trách nhiệm chia sẻ với vợ việc gia đình. Đây là một trong những nét đẹp của văn hoá gia đình ở “xứ sở cờ hoa”. Trên thực tế, từ Tổng Thống cho tới những người thành đạt hay giàu có, họ vẫn luôn sẵn sàng vào bếp nấu ăn hay phụ giúp việc nhà cho vợ mình.
Trong quan niệm của người Mỹ, cùng xây dựng gia đình, vì thế chồng và vợ đều có nghĩa vụ như nhau. Việc nhà hay nấu ăn không chỉ là công việc của người phụ nữ. Nếu có thời gian, họ luôn có thể nấu những bữa tối tuyệt vời để phục vụ gia đình, người thân như một cách san sẻ công việc, giữ gìn hạnh phúc gia đình và tạo ra niềm vui cho tất cả mọi người. Ngoài ra, những ông chồng hay ông bố ở Mỹ đều luôn cố gắng dành nhiều thời gian hoặc một thời gian nhất định nào đó sau công việc vào mỗi tối để ở bên gia đình.
Con cái được học tính tự lập từ nhỏ
Rèn luyện cho trẻ tính tự lập, sự độc lập và tự chủ của mỗi cá nhân luôn được đánh giá cao tại Mỹ. Vì thế, ngay từ khi còn rất nhỏ, các gia đình Mỹ đã chú trọng rèn luyện cho trẻ khả năng tự lập. Họ sẽ để trẻ tự làm những công việc phù hợp và không quá chăm sóc khiến trẻ cảm thấy phụ thuộc. Đây cũng là một trong những cách mà người Mỹ dạy con để trẻ có thể tự lập và sống một mình khi đã lớn.
Con cái có thể tự lập khi đủ 18 tuổi
Trong văn hoá gia đình ở Mỹ, khi con cái đủ 18 tuổi và tốt nghiệp phổ thông, họ có thể bắt đầu tương lai cuộc sống, sự nghiệp của tuổi trẻ. Bởi theo cách nghĩ của phụ huynh người Mỹ, khi đủ 18 tuổi tức là con cái của họ đã đủ quyền quyết định cá nhân về pháp luật. Vì thế, có thể tự lo cho cuộc sống của mình mà không cần bố mẹ phải lo lắng và chăm sóc như khi còn nhỏ. Hơn thế, Mỹ là một quốc gia tôn trọng chủ nghĩa cá nhân và đây cũng chính là một trong những cách thể hiện điều đó.
Khi đủ 18 tuổi và ra ngoài xã hội, gia đình thường sẽ không lo lắng về kinh tế cho con cái nữa. Thay vào đó, họ sẽ phải tự lập về tài chính, làm các công việc để nuôi sống bản thân và học cách sống tự lập. Những ngày cuối tuần hay các ngày lễ, con cái sẽ về nhà để tụ họp cùng gia đình và quây quần bên những bữa ăn đoàn viên đầm ấm. Việc tự lập đã được hình thành từ khi trẻ còn nhỏ, vì thế những đứa trẻ tại Mỹ sau khi 18 tuổi hoàn toàn có thể tự lo lắng và quyết định cho bản thân mình một cách tốt nhất.
Việc kết hôn hay yêu đương của con cái
Người Việt thường có quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Đặc biệt trong việc hôn nhân đại sự, giữa hai người cần có sự chúc phúc và đồng ý của hai bên gia đình. Tuy nhiên, ở Mỹ, việc yêu đương hay kết hôn của con cái đều do họ quyết định. Nếu có thì phụ huynh chỉ là người giới thiệu, đưa ra lời khuyên… Họ không tự quyết vấn đề hôn nhân của con họ.
Anh chị em trong gia đình sẽ có cuộc sống riêng nhưng luôn tôn trọng lẫn nhau
Anh chị em trong cùng một gia đình ở Mỹ luôn yêu thương, đùm bọc nhau nhưng không có nghĩa là phụ thuộc và can thiệp vào cuộc sống của nhau. Đặc biệt là khi đã có gia đình họ sẽ tập trung vào việc chăm lo cho cuộc sống của gia đình mình và chỉ gặp nhau để tụ họp. Ngay cả khi còn độc thân và đã sống cùng nhau, anh chị em trong gia đình cũng có sự bình đẳng và độc lập với nhau.
Ông bà sẽ không can thiệp quá sâu đến gia đình của con cháu
Nếu như ở Việt Nam hay các nước Á Đông, các gia đình thường có nhiều thế hệ cùng sống chung với nhau, thì các gia đình ở Mỹ lại không như vậy. Thay vào đó, khi con cái đã lớn, đã lập gia đình, hay đủ để tự lập, thậm chí là khi mới 18 tuổi, họ có thể dọn ra ở riêng để có cuộc sống tự do của chính mình. Nếu không có khả năng mua nhà thì sẽ đi thuê nhà và tự làm việc để lo lắng cho cuộc sống, trang trải chi tiêu hàng tháng cho chính bản thân chứ không hề phụ thuộc vào gia đình nữa.
Ông bà cũng chỉ đến chơi và thăm con cháu. Hoặc nếu giúp trông con cháu thì họ chỉ tới một vài hôm và không can thiệp vào cách dạy cháu hay cuộc sống hàng ngày của gia đình con cái. Chính vì vậy mà mối quan hệ về tình cảm giữa ông bà và con cháu cũng không chặt chẽ như ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là gia đình người Mỹ không có sự đoàn kết, yêu thương giữa các thế hệ.
Người già thường có xu hướng sống cho bản thân khi con cái đã đủ trưởng thành
Ở các gia đình Việt Nam, người già thường sống cùng con cháu và khá lệ thuộc tuổi già vào con cái của mình. Thế nhưng, ở Mỹ, khi về già họ thường chọn cách sống cho cá nhân và không muốn phụ thuộc vào con cái. Thường về già thì hai vợ chồng Mỹ sẽ sống với nhau và cùng nhau hưởng thụ tuổi già. Họ cũng có suy nghĩ sống cho bản thân hơn và tận hưởng cuộc sống để bù lại cho những năm tháng vất vả lo cho kinh tế, gia đình khi còn trẻ. Người già ở Mỹ có thể cùng nhau đi du lịch, làm vườn, tham gia sinh hoạt cộng đồng,…
Với những người già ở một mình hoặc có sức khoẻ không được tốt họ cũng không chọn ở cùng con cháu mà thay vào đó họ sẽ đến các viện dưỡng lão. Đối với họ đây là cách để không làm phiền con cháu nhưng cũng là cách để tìm niềm vui tuổi già, nơi có những người bạn tri kỷ trạc tuổi.
Bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật
Đối với người Mỹ, mọi người đều có quyền bình đẳng với nhau. Mỹ cũng là một đất nước tôn trọng chủ nghĩa cá nhân nên những vấn đề bạo hành trong gia đình là điều sai trái và vi phạm pháp luật.
Trong trường hợp xảy ra bạo lực gia đình, người bị bạo hành hoàn toàn có thể nhờ sự trợ giúp và can thiệp từ phía chính quyền. Người bạo hành cũng có thể đối mặt với nhiều mức án, từ phạt tiền cho đến ngồi tù. Ngoài ra những người hàng xóm cũng có quyền phản ánh hay gọi điện cho cảnh sát nếu họ gặp các vấn đề có liên quan đến bạo lực gia đình.
Bữa tối gia đình ở Mỹ
Những bữa tối gia đình có thể được xem là một truyền thống tốt đẹp trong văn hoá gia đình của người Mỹ. Đây là những bữa tối vào ngày cuối tuần hoặc trong những ngày lễ như: lễ Tạ Ơn, Giáng sinh, Năm mới,… Vào những ngày này, mọi người dù đã ở riêng sẽ cùng con cái của mình về nhà và quây quần cùng ông bà, anh chị em bên bữa tối đoàn viên. Đây cũng là cách mà người Mỹ thể hiện tình cảm gia đình, sự đoàn kết và gắn bó giữa các thành viên với nhau.
Như vậy, trong xã hội Mỹ, gia đình vẫn là nền tảng, là yếu tố quan trọng trong mỗi cá nhân. Tuy nhiên, vốn là nơi đề cao chủ nghĩa cá nhân vì thế mỗi người trong gia đình Mỹ không chịu quá nhiều ràng buộc lẫn nhau. Thay vào đó họ được tự do phát triển chính bản thân mình nhưng vẫn luôn hướng về tổ ấm, nơi có ông bà, bố mẹ, anh chị em của họ và giữ gìn những truyền thống tốt đẹp trong văn hoá gia đình ở Mỹ.
Văn hóa Mỹ nói chung còn mang rất nhiều điều thú vị đang chờ đón du khách đến khám phá và trải nghiệm. Tour Mỹ của chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng du khách trong hành trình khám phá đầy lý thú này!